Với nhiều người, châu Phi gợi lên hình ảnh của nghèo đói, bụi bặm và lạc hậu. Tôi cũng từng nghĩ thế. Bạn bè tôi, không ít người, đã dè dặt khuyên can: “Đừng đi châu Phi.” Nhưng rồi tôi đã đến Maroc – và nơi ấy đã khiến mọi định kiến trong tôi vụn vỡ.
Maroc bước ra từ những trang cổ tích nghìn lẻ một đêm: sa mạc rực nắng, những riad (nhà truyền thống) tinh xảo, những sắc màu rực rỡ và một vẻ đẹp kiêu sa, trầm mặc. Nhưng hơn tất cả, hành trình này còn là một thử thách đầy bất ngờ – nhất là với một người cầm máy ảnh.
Maroc là một trong những đất nước hiếm hoi trên thế giới mà cảnh vật đẹp mê hoặc, nhưng con người thì… rất khó chụp. 90% người dân nơi đây không muốn xuất hiện trước ống kính. Phụ nữ đặc biệt nhạy cảm. Có lần, ở thung lũng Imli, tôi bị một người phụ nữ giơ dao đe dọa chỉ vì trót giơ máy về phía bà đang cày ruộng. Tôi đã sốc. Nhưng rồi cũng học được rằng: nếu không chụp, người Maroc lại cực kỳ thân thiện, hào sảng và gần gũi. Họ mến khách theo cách thầm lặng, không màu mè.
Tôi nhớ như in một buổi chiều ở Marrakech – 18 giờ tối mà nhiệt độ vẫn chạm mốc 49°C. Tôi lang thang qua những con hẻm ngoằn ngoèo của khu medina cổ, mồ hôi túa như mưa, nhưng ánh sáng cuối ngày thì đẹp đến lịm tim. Mỗi cú bấm máy là một lần cần đến cả sự can đảm, bản lĩnh và tốc độ. Tôi phải học cách quan sát từ xa, giả vờ quay đi sau khi chụp, đặt điểm nét sẵn ở khoảng cách mong muốn, và nhất là – biết khi nào nên hạ máy xuống. Ở Maroc, nhiếp ảnh không chỉ là nghệ thuật. Đó là bản lĩnh.
Thế nhưng, chính những giới hạn đó lại khiến trải nghiệm nhiếp ảnh ở Maroc trở nên độc nhất. Tôi bắt đầu học cách “chạm” vào nơi này không chỉ bằng ống kính, mà bằng mọi giác quan: vị chanh dịu nhẹ trong chiếc bánh, ly cà phê đậm đặc bên khung cửa chàm, làn gió mát giữa dãy núi Atlas, tiếng cười của người lạ bên vệ đường bán cherry – mà tôi đã mua liền 5kg chỉ vì… quá ngọt.
Tôi đi, không chỉ để chụp. Tôi đi để lắng nghe, để hiểu, để bước thật sâu vào một thế giới chưa từng thuộc về mình – nhưng lại dễ dàng đánh thức những rung động nguyên sơ nhất. Có lần, tôi cùng nhóm dẫn đường băng qua suối, leo đèo, vượt đá hơn 4 tiếng đồng hồ để đến một ngôi làng ẩn mình bên sườn núi. Ngôi làng nhỏ đến mức bản đồ cũng ngập ngừng gọi tên. Ở đó, tôi chứng kiến cảnh cày ruộng kỳ lạ: năm con ngựa kéo một cái cày, người đàn ông vừa điều khiển vừa hò hét vang vọng khắp thung lũng. Giữa thiên nhiên hùng vĩ, chúng tôi ngồi ăn trưa: bánh mì nướng, rau hầm thì là, ô liu và trà bạc hà. Một bữa ăn giản dị mà đáng nhớ hơn bất kỳ nhà hàng sang trọng nào.
Những chuyến đi khiến bạn lặng người, rồi biến bạn thành người kể chuyện.
Chefchaouen – thành phố xanh như một giấc mơ dầu – là điểm đến khiến tôi nghẹn ngào. Ở đó, mọi thứ đều xanh: tường xanh, cửa xanh, cả ánh sáng cũng như nhuộm màu xanh. Tôi đã mua hai bộ trang phục địa phương: một xanh để tan vào không gian, một đỏ để làm dấu chấm giữa nền trời bất tận. Có nơi khiến tôi giơ máy không ngừng. Có nơi khiến tôi chỉ muốn đứng yên thật lâu. Chefchaouen là cả hai.
Còn ở Fez – tôi chọn bắt đầu từ nơi tận cùng: xưởng da thuộc nằm sâu trong khu phố cổ. Không phải để check-in ở góc nhìn từ trên cao quen thuộc, mà là để lội vào tầng hầm ngập mùi hoá chất, nhét lá bạc hà vào khẩu trang và lặng lẽ quan sát ánh sáng xuyên qua ô cửa nhỏ – lấp lánh trên những miếng da ướt đang được phơi.
Tôi không chỉ chụp ảnh. Tôi sống cùng từng khoảnh khắc. Để cảm nhận Maroc – bằng mắt, bằng mũi, bằng tai, và bằng chính sự dấn thân không ngại ngần của mình.
Chuyến đi này không chỉ cho tôi những khung hình, mà còn là bài học về sự kiên nhẫn, về ranh giới giữa quan sát và can thiệp, giữa tôn trọng và bản năng chiếm hữu hình ảnh. Maroc không thay thế những nơi tôi từng yêu như Ấn Độ hay Cuba. Maroc – đơn giản là một thế giới khác: sâu hơn, lạ hơn, và rất riêng.
Với tôi, Maroc là một bài thơ – khó đọc, khó hiểu, nhưng khi đã thấm rồi thì cứ day dứt mãi không thôi.
“Không phải ai lang thang cũng là kẻ lạc đường.”
