Cùng với Thổ Hà và Bát Tràng, Làng gốm Phù Lãng là một trong 3 trung tâm gốm cổ đã tồn tại và phát triển ở phía Bắc Việt Nam. Làng gốm thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, Tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 60 km.

Theo sử sách ghi lại, ông tổ nghề của làng gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ông được triều đình cử sang Trung Quốc. Ông học được nghề làm gốm và về truyền dạy cho người trong nước. Đầu tiên, nghề này được truyền cho dân cư đôi bờ sông Lục Đầu, sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp (Hải Dương). Vào khoảng đầu thế kỷ XIII (thời nhà Trần) nghề được truyền đến đất Phù Lãng Trung. Hiện, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vẫn còn lưu giữ và trưng bày một số sản phẩm gốm Phù Lãng có niên đại khoảng thế kỷ XVII – XIX.

Gốm Phù Lãng có những sắc thái riêng biệt, đó là những sản phẩm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu… mà người ta quen gọi chung là men da lươn. Về mặt tạo hình, gốm Phù Lãng sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong nghệ thuật tạo dáng với những hình khối đa dạng, phong phú . Tuy nhiên, có thể quy vào hai phương pháp cơ bản là tạo hình trên bàn xoay và in trên khuôn gỗ hoặc khuôn đất nung rồi dán ghép lại.

Nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng kỹ thuật đắp nổi theo hình thức chạm bong hay còn gọi là chạm kép, mang màu men tự nhiên, bền, đẹp, lạ mắt. Dáng gốm mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa và mang đậm nét của điêu khắc tạo hình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *